Quy trình sản xuất đồ gốm Bát Tràng

Đồ gốm sứ Bát Tràng có quy trình sản xuất riêng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng. Bạn có bao giờ thắc mắc quy trình sản xuất đồ gốm Bát Tràng như thế nào? Hãy cùng Andy tìm hiểu nhé!

Quy trình sản xuất đồ gốm Bát Tràng

1. Chọn, xử lý và pha chế đất

Trước hết, phải chọn đất sét và đất cao lanh loại tốt. Sau đó, đất được tinh luyện qua nhiều công đoạn để lấy được đất tốt nhất sử dụng vào làm gốm. Trong quá trình xử lý đất, tùy từng loại gốm mà người ta pha thêm cao lanh ở mức độ khác nhau.

Đất sét khi khai thác, thường bị rắn nên phải tưới nước cho no rồi dùng mai thái mỏng. Loại bỏ tạp chất; dùng chân nhào thật kỹ rồi đắp thành từng đống lớn; thái đi thái lại nhiều lần tạo nên đất có độ mịn, dẻo. Công đoạn này gọi là luyện đất hay thấu đất.

2. Tạo hình sản phẩm gốm

– Tạo hình bằng tay trên bàn xoay

Đất luyện kỹ vừa, có độ dẻo. Sau đó đất được nặn thành dây dài to bằng cổ tay, người thợ chuốt ngắt từng đoạn, khoanh trũng giữa bàn xoay, chân phải đạp bàn, hai tay chuốt. Mọi sản phẩm to, nhỏ, dày, mỏng đều do hai bàn tay điều khiển, không có khuôn mẫu nhất định, kích thước từng cỡ do mực mắt, có sai lệch nhưng không đáng kể. Tạo hình bằng bàn xoay, thường dùng để sản xuất những sản phẩm gốm có kích thước lớn như: Chum, lọ, bình, âu…

– Đổ khuôn

Kỹ thuật này đang được sử dụng phổ biến, vì có thể sản xuất hàng loạt, cho năng suất cao. Việc tạo hình sản phẩm theo khuôn in gồm ác khâu đặt khuôn giữa bàn xoay, ghim chặt lại, láng lòng khuôn rồi ném mạnh đất in sản phẩm giữa lòng khuôn cho bám chắc chân, quay bàn xoay và kéo cán tới mức cần thiết để tạo sản phẩm.

3. Phơi sấy

Phơi sản phẩm cho khô, không sứt mẻ, không làm thay đổi hình dạng của sản phẩm. Ngày nay các nghệ nhân gốm sứ Bát Tràng thường dùng phương pháp sấy khô hiện vật trong lò tăng nhiệt độ từ từ để cho nước bốc hơi.

4. Trang trí hoa văn

– Trang trí hoa văn trên sản phẩm

Sau khi gốm được phơi khô sẽ được vẽ bằng bút lông vẽ màu để trang trí các loại hoa văn để tăng tính nghệ thuật cho sản phẩm. Các nghệ nhân cũng có thể sử dúng các lối trang trí hoa văn khác như đánh chỉ hoặc bôi men chảy để tạo nên các đường nét tự nhiên hài hòa.

Gần đây, Bát Tràng xuất hiện kĩ thuật vẽ trên nền xương gốm đã nung sơ lần 1 hoặc kĩ thuật hấp hoa, một lối trang trí hình in sẵn trên giấy decal, nhập từ nước ngoài. Hai kiểu này tuy đẹp nhưng không phải là truyền thống của Bát Tràng. Những loại này không được coi là nghệ thuật và sáng tạo trong di sản gốm Bát Tràng, cũng như gốm Việt Nam nói chung.

– Cắt gọt và khắc vạch sản phẩm gốm

Sản phẩm gốm sau khi chuốt xong được phơi nắng, khi nào đất se cứng thì tiến hành sửa, gọt, cạo nhẵn…theo đúng ý muốn. Các chi tiết khác như: quai, tai hoặc trang trí các hình động vật nổi, hoa lá… Tất cả đều được thực hiện ở giai đoạn này. Khắc vạch là phương pháp trang trí hoa văn chủ yếu. Người thợ gốm vẽ hoặc khắc vạch trực tiếp lên xương gốm sau đó đem nung.

5. Tráng men

Khi sản phẩm mộc đã hoàn chỉnh, người thợ gốm có thể nung sơ bộ sản phẩm ở nhiệt độ thấp rồi sau đó mới đem tráng men hoặc dùng ngay sản phẩm mộc hoàn chỉnh đó trực tiếp tráng men lên trên rồi mới nung.

Người thợ gốm Bát Tràng thường chọn phương pháp tráng men trực tiếp lên trên sản phẩm mộc hoàn chỉnh. Sản phẩm mộc trước khi đem tráng men phải được làm sạch bụi bằng chổi lông. Những sản phẩm mà xương gốm có màu trước khi tráng men phải có một lớp men lót để che bớt màu của xương gốm, đồng thời cũng phải tính toán tính năng của mỗi loại men định tráng lên từng loại xương gốm, nồng độ men, thời tiết và mức độ khó của xương gốm.

Kĩ thuật tráng men có nhiều hình thức như phun men, dội men lên bề mặt cốt gốm cỡ lớn, nhúng men đối với loại gốm nhỏ nhưng thông dụng nhất là hình thức láng men ngoài sản phẩm, gọi là “kìm men”, và khó hơn cả là hình thức “quay men” và “đúc men”.

Quay men là hình thức tráng men bên trong và bên ngoài sản phẩm cùng một lúc, còn đúc men thì chỉ tráng men trong lòng sản phẩm. Đây là những thủ pháp tráng men của thợ gốm Bát Tràng, vừa là kĩ thuật vừa là nghệ thuật, được bảo tồn qua nhiều thế hệ, thậm chí đã từng là bí quyết trong nghề nghiệp ở đây.

– Sửa hàng men

Người thợ gốm tiến hành tu chỉnh lại sản phẩm lần cuối trước khi đưa vào lò nung. Trước hết phải xem kĩ từng sản phẩm một xem có chỗ nào khuyết men thì phải bôi quệt men vào các vị trí ấy. Sau đó họ tiến hành “cắt dò”. Tức cạo bỏ những chỗ dư thừa men, công việc này gọi là “sửa hàng men”.

6. Nung đốt

Đây là công đoạn quan trọng quyết định sự thành công hay thất bại của một mẻ gốm. Có nhiều loại lò được sử dụng. Nhưng phổ biến là lò cóc và lò bầu, gần đây là lò hộp.

Nhiên liệu đun là củi, than cám hoặc gas. Tuỳ theo mỗi loại lò và mỗi dạng gốm cụ thể mà thời gian nung và nhiệt độ nung cũng khác nhau. Gốm đất nung ở nhiệt độ từ 600 – 900 độ C, gốm sành nâu từ 1100 – 1200 độ C, gốm sành xốp từ 1200 – 1250 độ C, gốm sành trắng từ 1250-1280 độ C và đồ sứ từ 1280 – 1350 độ C.

 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Cách sắp xếp ban thờ Phật đúng chuẩn

7 sự thật về đồ thờ Bát Tràng